Những niềm vui và bất ngờ từ thời dạy toán

Nguyễn Đức Dân

về trang chủ

 

Hàng năm, cứ vào dịp tháng 11 là tôi lại ra Hà Nội dự họp với mấy lớp tôi từng dạy toán. Có vài mốc thời gian vui đáng nhớ trong đời dạy toán trung học của tôi.

Năm 1957 lúc 21 tuổi tôi tốt nghiệp ngành Toán, khoa Toán Lý, trường Đại học Sư phạm Hà Nội và được về dạy ở trường Chu Văn An Hà Nội, hồi trước gọi là trường Bưởi.

Năm 1962 Bộ Giáo Dục giao tôi nhiệm vụ ra đề thi môn toán trong kỳ thi tốt nghiệp cấp 3 (trung học phổ thông) toàn miền Bắc.

Hè 1962, Sở Giáo dục Hà Nội điều tôi lên Phòng cấp 2 – 3 của Sở, phụ trách chỉ đạo giảng dạy môn toán cấp 3.

Công việc của tôi ở đây khá đơn điệu. Xuống các trường dự giờ theo kế hoạch chung của Phòng và góp ý giáo viên  để trong những buổi sơ kết cuối học kỳ và tổng kết cuối năm đưa ra những nhận xét tình hình giảng dạy bộ môn toán và nêu kế hoạch hoạt động  trong năm học tới. Rồi tổ chức các kỳ thi học sinh giỏi… Còn lại, khá thoải mái và tự do về giờ giấc làm việc. Được tự do sắp xếp công việc là một cơ hội. Trong giai đoạn này tôi cũng làm được một số việc có ý nghĩa. Tranh thủ nâng cao trình độ chuyên môn, tôi miệt mài đọc những bài hay trong tạp chí Nga Математика в школе (Toán học trong nhà trường), trong những tuyển tập toán sơ cấp và giải một số bài trong những kỳ thi học sinh giỏi toán vùng Mátxcơva hoặc Liên Xô. Quyển Как решать задачи? (Giải bài toán như thế nào?) của Polya (dịch từ tiếng Anh) gần như là sách gối đầu giường của tôi. Từ đó, một mặt tuyển chọn ra những vấn đề hay trong môn toán phổ thông, cùng với một số giáo viên Hà Nội tôi ra được 3 số báo Toán học (in ronéo) của Phòng Phổ thông, mặt khác xin được với Sở Giáo dục cho mở lớp Bồi dưỡng học sinh giỏi toán của Hà Nội, tôi dạy vào buổi tối thứ bảy. Học sinh giỏi toán của Hà Nội, em nào thích thì đến học. 

Có lẽ nhờ vậy một phần, ở các kỳ thi học sinh giỏi toán cấp III toàn miền Bắc trong 3 năm 1963 – 1965 các đội của đoàn Hà Nội đều đoạt thành tích xuất sắc. Trong kỳ thi học sinh giỏi năm 1962 – 1963, mỗi tỉnh được cử một đội 5 em. Một số tỉnh lớn được cử hai hoặc ba đội. Cả ba đội của Hà Nội xếp 3 hạng đầu. Bốn giải cá nhân cao nhất đều thuộc về Hà Nội. Điều này khiến năm sau Bộ quy định lại, mỗi đơn vị chỉ được cử một đội. Một chi tiết khiến tôi nhớ mãi. Trong kỳ thi của thành phố Hà Nội thì em Vũ Hoài Chương xếp thứ nhất, em Đoàn Trịnh Ninh xếp thứ nhì. Tới kỳ thi toàn miền Bắc thứ tự đảo lại: Vũ Hoài Chương giải nhì còn Đoàn Trịnh Ninh đoạt giải nhất.

Cũng có lẽ nhờ vậy, tiếng nói về môn toán của tôi có trọng lượng. Điều này liên quan đến một chi tiết đáng nhớ. Có giáo viên tôi chỉ gặp một lần nhưng thời gian không phủ mờ dấu ấn để lại. Năm học 1964 – 1965 chúng tôi về dự giờ ở trường X huyện Đông Anh, ông trưởng phòng giáo dục, tôi gọi là bác L vì đã lớn tuổi, cùng đi. Chúng tôi được gợi ý thăm lớp của giáo viên toán TTTh. Ông L nói với tôi tay giáo viên này kiêu, dạy lại khó hiểu các anh thăm lớp rồi “cho anh ta một trận”. Khi dự giờ giáo viên Th, ngoài vài nhược điểm của một anh giáo trẻ mới ra trường 2 năm, tôi thấy anh Th có lối tư duy chặt chẽ, mạch lạc và tôi linh cảm thấy đây sẽ là một giáo viên rất giỏi. Sau buổi góp ý chung, tôi viết vào một tờ giấy xé từ quyển sổ tay và đưa cho ông L với nội dung đây là một giáo viên rất có triển vọng, nên đưa về dạy học sinh giỏi. Chuyện này tôi có nói lại với Phòng cấp 2-3 của Sở.

Lúc đó Hà Nội có chủ trương mở lớp chuyên toán cấp 3, nhưng cấp 2 thì chưa. Tôi xin đi dạy lớp chuyên toán đầu tiên của Hà Nội, lớp 8G ở trường cấp III Xuân Đỉnh. Được một học kỳ tôi được cử đi làm nghiên cứu sinh. Sau khi bảo vệ tiến sĩ, năm 1970 tôi về dạy ở Đại học tổng hợp Hà Nội, không còn nhiệm vụ gì ở Sở Giáo dục Hà Nội nữa.

Bẵng đi hơn nửa thế kỷ, tháng 6 năm 2016, hai anh S. và T. từ Hà Nội vào tới gặp tôi nói họ là học trò của thày Th.

“ - Có phải thầy là thầy Dân trước đây ở Hà Nội không? Chúng em tìm thầy; từ trường ĐHKH tự nhiên người ta chỉ sang trường ĐHKH Xã hội & Nhân văn, rồi tới khoa Văn học & Ngôn ngữ, trước đây thầy dạy toán…

-         Đúng vậy, nhưng có việc gì thế?

-         Chúng em muốn tôn vinh thầy…

-         Tôi thì có gì mà tôn vinh.

-         Nếu không có thầy phát hiện, như thầy Th thường nói, thì thầy Th vẫn chỉ là “một anh giáo làng, chứ đâu được về dạy lớp chuyên toán cấp 2 của Hà Nội”

Trưa 16-10-2016 tôi nhận được một cuộc gọi lạ. Hóa ra là PGS TS TTh từ Hà Nội gọi sau 52 năm gặp nhau, và chỉ gặp nhau 1 lần duy nhất.  Ông giáo già 74 tuổi này nhắc lại chuyện cũ: 

“- Hồi đó nếu không có anh đề nghị, em vẫn chỉ là anh giáo làng ngoại thành thôi…

- Mình thấy “ông” giỏi và rất có triển vọng nên đề nghị, chứ có gì đâu, quyền quyết định là của mấy ông tổ chức.

- Hồi ấy các anh làm việc công tâm...”

Tôi rất vui vì đã phát hiện và giới thiệu được một giáo viên toán tài năng. Anh TTh đã rất thành công. Lớp học sinh chuyên toán đầu tiên anh dạy có Hoàng Lê Minh, học sinh Việt Nam đầu tiên đoạt huy chương vàng trong kỳ thi toán quốc tế năm 1974. Khóa học trò chuyên toán thứ bảy của anh có Ngô Bảo Châu, sau này thành nhà toán học Việt Nam lỗi lạc.

                                                                        Hà Nội 11.11.2016